(ĐTCK) Ngày 27/1 tới, hơn 3,265 triệu cổ phiếu của CTCP Bao bì Dầu khí Việt Nam được đưa lên niêm yết, với mã chứng khoán PBP. Giá tham chiếu dự kiến trong ngày chào sàn là 16.500 đồng/CP.

Với tiềm năng tăng trưởng tốt của ngành bao bì và lợi thế riêng là đầu vào ổn định, sản phẩm đầu ra được bao tiêu bởi công ty mẹ – Đạm Cà Mau, PBP đang là cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư chờ đợi.

Được thành lập từ giữa năm 2010, CTCP Bao bì Dầu khí Việt Nam (PBP) có nhiệm vụ chính là triển khai đầu tư dự án nhà máy sản xuất bao bì Dầu khí tại Bạc Liêu, nhằm đáp ứng nhu cầu bao bì PP/PE cho nhà máy Đạm Cà Mau và khách hàng khu vực Tây Nam Bộ. Đến đầu năm 2012, Nhà máy đã chính thức đưa vào vận hành. Hiện 100% nhu cầu bao bì phục vụ việc đóng gói phân bón của Đạm Cà Mau do PBP cung ứng.

Lợi nhuận tăng trưởng tốt

Dù đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng kết quả kinh doanh mà PBP đạt được rất đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh qua từng năm. Cụ thể, năm 2013, Công ty đạt doanh thu 143 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi mức thực hiện năm 2012; lợi nhuận sau thuế đạt 9,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 0,23 tỷ đồng của năm 2012.

9 tháng năm 2014, PBP cũng đạt kết quả kinh doanh khá khả quan, với doanh thu 116,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 11,86 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 89% so với cùng kỳ 2013.

Các chỉ tiêu tài chính của PBP cũng rất an toàn. Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn của PBP luôn được duy trì trên 1 và có sự cải thiện qua các năm, từ 1,09 lần năm 2012 lên 1,98 lần năm 2013. Tỷ lệ nợ trên vốn cũng giảm đáng kể từ 1,14 lần cuối năm 2013 còn 0,77 lần tại thời điểm 30/9/2014.

Sở hữu lợi thế vượt trội

Mức tăng trưởng lợi nhuận như trên của PBP có nguyên nhân quan trọng là nguồn nguyên liệu PP đầu vào của Công ty được cung cấp từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, là đơn vị đầu tiên của Việt Nam cung cấp hạt nhựa PP ra thị trường. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 70 – 80% nguyên liệu nhựa, việc có nguồn cung trong nước ổn định giúp cho PBP hạn chế rủi ro biến động tỷ giá và biến động nguồn cung so với các đơn vị cùng ngành.

Bên cạnh đó, sản lượng đầu ra của PBP được bao tiêu bởi công ty mẹ – Đạm Cà Mau và giá bán duy trì ở mức ổn định. Hiện tại, PBP là nhà cung cấp duy nhất các sản phẩm PP tráng màng PE và bao PP không tráng lồng túi PE cho nhà máy Đạm Cà Mau, chiếm đến 90% sản lượng. 10% sản lượng còn lại, Công ty cung cấp cho thị trường bên ngoài như sản xuất bao bì chứa gạo, bao phân bón cho các đơn vị trong vùng, bao đựng thức ăn chăn nuôi thuỷ hải sản.

PBP hưởng nhiều ưu đãi về thuế, như được ưu đãi 20% thuế Thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 10 năm và miễn 2 năm kể từ khi Công ty có thu nhập chịu thuế (từ năm 2012), giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Như vậy, trong giai đoạn tới, PBP tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách thuế ưu đãi.

Nhiều tiềm năng phát triển

Năm 2015, PBP đặt kế hoạch doanh thu thuần 160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng so với năm 2014. Với ưu thế và tính ổn định trong việc phân phối, dây chuyền sản xuất hiện đại cho ra những sản phẩm chất lượng cao, chi phí vận chuyển thấp, kế hoạch trên của PBP là khả thi.

PBP dự kiến sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm bao bì cho các DN sản xuất thủy sản, xuất khẩu gạo tại Tây Nam Bộ (Bạc Liêu và Cà Mau). Đối với mảng sản phẩm chính – bao bì PP, căn cứ kế hoạch phát triển sản phẩm mới của Nhà máy Đạm Cà Mau, PBP dự kiến sẽ nâng công suất trong giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đánh giá của CTCK Dầu khí (PSI), lĩnh vực bao bì PP/PE có tiềm năng phát triển rất lớn, với tốc độ phát triển hàng năm trung bình 25 – 30%, thu hút nhiều NĐT tham gia. Sức ép cạnh tranh trong ngành bao bì nhựa trong thời gian tới sẽ gay gắt hơn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội phát triển đối với những doanh nghiệp đầu tư bài bản như PBP.

Với những thành quả đạt được, đội ngũ lao động có tay nghề cộng thêm những lợi thế không phải doanh nghiệp cùng ngành nào cũng có được thì cổ phiếu PBP được đánh giá là cổ phiếu đáng để các NĐT xem xét đầu tư.

Nguồn: Theo Báo đầu tư Chứng khoán.